Tuyển sinh của các trường trung cấp đang từng bước khởi sắc. Nhiều học sinh đã chọn con đường nghề từ khi còn học bậc phổ thông và việc phân luồng sau trung học cơ sở đã được quan tâm hơn rất nhiều.
Đây là kết quả bước đầu của công tác tư vấn hướng nghiệp, định hướng cho học sinh trường THCS, THPT trong nhiệm vụ phân luồng của Sở.
Nhiều lợi thế khi học trường nghề
Lợi thế đầu tiên phải kể đến đó là chính sách ưu đã học phí dành cho người học. Theo nghị Nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định về chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập thì học sinh tốt nghiệp THCS đi học trung cấp được hỗ trợ học phí khoảng 16 triệu đồng/khóa. Chương trình đào tạo là thực hành chiếm trên 70% tùy trình độ đào tạo. Đó là chưa kể quá trình đào tạo gắn với doanh nghiệp nên việc thực hành, thực tập của người học sẽ được tiến hành tại doanh nghiệp.
Hiện tại, giáo dục nghề nghiệp có khoảng 825 nghề trình độ trung cấp, 559 nghề trình độ cao đẳng ở 90 nhóm ngành nghề đào tạo, bao phủ mọi lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế, như du lịch khách sạn, an ninh quốc phòng, văn hóa nghệ thuật… cho học sinh sau THCS, THPT lựa chọn.
Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Ban Đào tạo Hội giáo dục nghề nghiệp TPHCM thì nhu cầu thực tế của xã hội hiện nay đang cần những người có nghề nghiệp vững chắc, có kiến thức để tham gia vào thị trường lao động và cá nhân các học sinh có sự nhìn nhận rõ ràng về việc lựa chọn giữa con đường nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu của bản thân.
Nhiều cơ hội nghề nghiệp cho người học nghề
Thông tin từ các Sở Lao động – Thương binh & Xã hội TPHCM, tính trung bình ba năm trở lại đây trên 80% người học cao đẳng, trung cấp tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Ở một số nghề và một số trường đạt gần 100% có việc làm.
Trường Việt Giao đảm bảo sinh viên ra trường có việc làm bằng việc ký kết hợp tác về nguồn nhân lực với hàng loạt doanh nghiệp lớn
ThS Nguyễn Quỳnh Lâm – Phó trưởng Phòng Tuyển sinh Truyền thông trường Trung cấp Việt Giao cho biết, trường tuyển sinh theo quy trình rõ ràng là đầu năm sẽ làm việc với doanh nghiệp xem cần điều gì ở sinh viên, cam kết nhận bao nhiêu sinh viên, đặt hàng bao nhiêu sinh viên vào làm, rồi căn cứ vào chỉ tiêu của Bộ rồi mới đề ra chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của trường, do vậy các ngành nghề của trường đều đảm bảo việc làm vì trường đã tìm trước đầu ra. 20 năm qua trường chỉ đào tạo các ngành dịch vụ gồm: quản trị khách sạn, hướng dẫn du lịch, quản trị bếp ẩm thực, nên trong suy nghĩ của nhà tuyển dụng đã đặt trọn niềm tin vào trường về việc đào tạo các ngành nghề này.
Sau khi nước ta tham gia Hiệp định thương mại tự do và Cộng đồng kinh tế ASEAN, có 8 ngành nghề được tự do dịch chuyển lao động gồm: nha khoa, điều dưỡng, kiến trúc, kỹ thuật, xây dựng, khảo sát, và các nhóm ngành liên quan đến du lịch mở ra cơ hội cũng như thách thức cho lao động nước nhà.
Theo các chuyên gia tư vấn, để nâng cao khả năng cạnh tranh trong thời đại 4.0, lao động Việt Nam ngoài việc nâng cao tay nghề còn cần phát triển hoàn thiện các kỹ năng mềm và vốn ngoại ngữ.
“Việc chọn trường, chọn ngành liên quan đến nhiều yếu tố: sở thích, khả năng kinh tế, nguyện vọng. Các em không đậu công lập thì có thể chọn dân lập nhưng mức học phí cao hơn so với khả năng kinh tế của gia đình. Nếu chọn tham gia vào thị trường lao động sớm thì việc học trung cấp nghề là lựa chọn tối ưu, giúp rút ngắn thời gian học và có thể tham gia vào việc làm sớm, sau đó có thể liên thông lên bậc học cao hơn nếu muốn”, ThS Lâm đưa ra lời khuyên.