Bằng cấp không phải là tiêu chí tuyển dụng

Nhiều doanh nghiệp khẳng định bằng cấp không là tiêu chí khi họ tuyển dụng nhân viên. Cái họ cần là năng lực và thái độ làm việc của ứng viên.

Các chuyên gia về nguồn nhân lực cũng cho biết quan điểm tuyển dụng của doanh nghiệp đã thay đổi khi bằng cấp không đóng vai trò như trước.

Doanh nghiệp đánh giá cao người học nghề

Đối với đa phần các bạn sinh viên ra trường, vốn liếng lớn nhất mà họ có được chính là tấm bằng để đi tìm việc làm. Đó là niềm tự hào và là thứ duy nhất mà sinh viên có khi đi gặp các nhà tuyển dụng. Song, với tình hình giáo dục đại học “lý thuyết xa vời thực tiễn” của nước ta như hiện nay thì có không ích sinh viên ra trường vỡ mộng vì những kiến thức của mình hoàn toàn không giúp ích được gì cho họ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp luôn đánh giá cao những người tốt nghiệp trường nghề. Một đại diện doanh nghiệp lớn tại TP.HCM cho biết: “Chúng tôi luôn đánh giá cao những người chọn nghề sớm. Họ biết mình là ai, mình muốn gì và mình phải làm như thế nào. Nhiều người đến xin việc mà không hiểu rằng chúng tôi sẵn sàng trả lương cao cho một người biết làm việc chứ không cần những tấm bằng chỉ biết nói”.

Ông Trần Phát – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Du lịch Việt Nam cho biết “Những sinh viên tốt nghiệp từ các trường trung cấp, trường nghề luôn được chúng tôi đánh giá cao, bởi đặc thù chương trình đào tạo của các trường nghề là phần thực hành chiếm tới 70% thời lượng khóa học. Hơn nữa, sinh viên tốt nghiệp từ các trường này thường rất “lăn xả” trong mọi công việc”.


Doanh nghiệp luôn đánh giá cao người học nghề 

Xóa dần giá trị bằng cấp

Thực trạng hiện nay cử nhân ra trường thất nghiệp hoặc làm việc trái chuyên môn một phần đã cho thấy trình độ và kỹ năng của họ không đáp ứng được yêu cầu xã hội nên rất khó tìm việc.

Nhìn từ thực tế cuộc sống, bạn trẻ học trung cấp hoàn toàn có cơ hội thành đạt, có thu nhập ngang bằng hoặc cao hơn so với những sinh viên tốt nghiệp ĐH – CĐ vì điều này phụ thuộc vào năng lực phát triển của từng người chứ không phụ thuộc vào bằng cấp, nghề nghiệp.

Hiện nay, các nhà tuyển dụng ngoài đòi hỏi về chuyên môn, tay nghề còn muốn tìm kiếm những ứng viên có trình độ về ngoại ngữ và có một số các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp, thuyết trình…

Không chỉ vậy, nhà tuyển dụng còn “chọn mặt gửi vàng” những bạn hội tụ các tố chất như luôn biết cố gắng, phấn đấu và nhiệt huyết với nghề, ham học hỏi, chịu được áp lực cao của công việc, có tinh thần trách nhiệm cao…

Các cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng, việc tuyển dụng lao động vào những công việc đòi hỏi kỹ năng cao là thách thức lớn nhất cho hầu hết các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. Đáng nói là trong đó có tới 70-80% ứng viên vào các vị trí quản lý và kỹ thuật được cho là không đủ trình độ năng lực mặc dù họ tốt nghiệp từ các trường đại học.

Thu nhập của người học nghề ngang bằng, thậm chí cao hơn người tốt nghiệp ĐH

Trước đây đại học luôn là môi trường mơ ước của bất kỳ học sinh nào sau khi tốt nghiệp trung học. Nhưng giờ đây với những nhược điểm của cách dạy truyền thống, chi phí đắt đỏ,…cộng với việc có nhiều lựa chọn học tập kỹ năng công việc mà không cần tới bằng cấp cao nên nhiều học sinh đã tự chọn con đường riêng bằng cách học trung cấp thay vì tốn thời gian cho học đại học. Và hơn hết, bằng đại học giờ đây đã không còn ảnh hưởng tới thu nhập của họ.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng các trường đại học cần có sự thay đổi trong cách thức giảng dạy.

Theo ông Trần Anh Tuấn – Phó viện trưởng, Giám đốc chương trình Dự báo nguồn nhân lực Viện nghiên cứu Đào tạo kinh tế quốc tế thì hiện nay xu hướng chung của thị trường lao động là xóa dần giá trị của bằng cấp trong nhà tuyển dụng. Xã hội đang phát triển và tiến tới nền công nghiệp 4.0 trong đó robot sẽ thay thế con người trong nhiều công việc đơn giản và cả những công việc tri thức. Vì thế bằng cấp sẽ mất dần đi ý nghĩa mà chứng nhận tham gia vào thị trường giờ đây là giá trị nghề nghiệp của mỗi người. Giá trị này bao gồm 5 yếu tố: năng lực hành nghề, kỹ năng làm việc nhóm – giao tiếp, tính kỷ luật trong công việc, khả năng sử dụng công nghệ thông tin, khả năng ngoại ngữ.

Việt Giao