“Cơ cấu lao động theo bằng cấp phát triển lệch lạc khiến Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Thực trạng “thừa thầy thiếu thợ” là vấn đề nan giải mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong thời gian tới”.
Đó là lời nhận định của ông Nguyễn Văn Cường, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Theo ông Cường, hiện nay tỷ lệ lao động qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ của Việt Nam còn thấp. Mặc dù tỉ lệ lao động qua đào tạo đã tăng liên tục trong thời gian qua nhưng xét trong tương quan lực lượng kinh tế và so với các nước trong khu vực khác thì tỉ lệ lao động của nước ta còn quá thấp so với nhu cầu phát triển của nền kinh tế.
Cụ thể, tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ hiện chỉ chiếm 21,8% lực lượng lao động, chỉ bằng 1/3 các nước và các nền công nghiệp mới như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, ở nhiều nước tỉ lệ này phổ biến là 50%.
Lực lượng lao động có trình độ cao đẳng, đại học chiếm tỉ lệ lớn nhất trong số lao động có bằng cấp. Tuy nhiên, nếu tính trên 1.000 dân, số lao động có trình độ cao đẳng trở lên ở Việt Nam mới chỉ đạt khoảng gần 30 người/1.000 dân trong khi con số tương ứng của Hàn Quốc là 52 và Nhật Bản là 70.
Theo khảo sát của World Bank, so với các nước như Malaysia, Thái Lan, Singapore, Indonesia, đầu tư nhà nước trên đầu sinh viên của Việt Nam rất thấp. Năm 2013, Việt Nam đầu tư trung bình 645 USD/sinh viên, trong khi ở Singapore, con số này là 12.013 USD/sinh viên (gấp gần 20 lần Việt Nam).
Đó là chưa kể đến tình trạng thiếu nguồn nhân lực cao cấp, các kỹ sư kỹ thuật, công nhân kỹ thuật trình độ cao do cấu trúc đào tạo lao động còn có nhiều bất hợp lý.
“Cơ cấu lao động theo bằng cấp phát triển lệch lạc đưa nền kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Thực trạng “thừa thầy thiếu thợ” là một vấn đề nan giải mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong thời gian tới”, ông Cường nhận định.
Học trung cấp dễ kiếm việc làm hơn đại học
Cũng theo ông Cường, trong nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động có trình độ càng cao, tỉ lệ thất nghiệp càng lớn. Năm 2016, tỉ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động có bằng cấp, chứng chỉ là 1,11% so với 2,9% – tỉ lệ thất nghiệp chung, năm 2017 tỉ lệ này 0,86% so với 2,38% – tỉ lệ thất nghiệp chung của cả nước.
“Điều đáng nói là tỉ lệ thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ đại học trở lên luôn cao hơn gấp nhiều lần so với lao động có trình độ thấp hơn”.
Ông Cường lấy dẫn chứng, năm 2016, tỉ lệ thất nghiệp của lao động có trình độ đại học trở lên là 0,51%/tổng lực lượng lao động, cao gấp 1,6 tỉ lệ thất nghiệp ở lao động trình độ cao đắng, gấp 2,6 lần tỉ lệ thất nghiệp ở lao động trình độ trung cấp chuyên nghiệp và gấp 6 lần lao động dạy nghề.
Năm 2017, tỉ lệ thất nghiệp của nhóm lao động trình độ đại học trở lên là 0,46% trên tổng lực lượng lao động, cao gấp 3,2 – 3,9 lần tỉ lệ thất nghiệp ở 3 nhóm lao động có trình độ thấp hơn.
Xu thế này theo ông Cường, một mặt phản ánh sự lãng phí trong đầu tư cho đào tạo và sử dụng lao động trình độ cao, mặt khác cho thấy sự chưa tương xứng giữa bằng cấp và chất lượng thực sự của lao động được đào tạo, đồng thời đặt ra yêu cầu đào tạo phải phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường thay vì đào tạo cái mà người lao động muốn.
“Lao động có bằng cấp, chứng chỉ ở Việt Nam, nhất là lao động có trình độ cao chưa đáp ứng được với yêu cầu phát triển; bằng cấp được đào tạo chưa đạt được tiêu chuẩn quốc tế nên đội ngũ này đang có nguy cơ mất dần thế cạnh tranh.
Bên cạnh đó, còn một nguy cơ khác là lao động nước ta không những không cạnh tranh được ở thị trường nước ngoài, mất cả thị trường trong nước khi phải đối phó với dòng lao động “chảy ngược”, có năng suất lao động cao hơn từ nước ngoài đổ vào khi hội nhập”, ông Cường nói.
Trường Giang
Nguồn tin: Vietnamnet