Du lịch Việt Nam thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp mất từ 15-16 tháng để đào tạo lại sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học.

Quan trọng là kỹ năng

Trong khuôn khổ diễn đàn “Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam” tổ chức sáng nay (12/4) tại Dinh Thống Nhất (TP.HCM), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên học và thực hành ngay tại chỗ.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã phối hợp với các Bộ ngành sắp xếp lại cơ sở đào tạo theo hướng chuẩn hóa, để sinh viên dễ dàng tham gia thị trường lao động. Bộ cũng sẽ khuyến khích xã hội hóa để doanh nghiệp tham gia vào đào tạo, tạo chuỗi tuần hoàn giữa người đào tạo, sử dụng, hỗ trợ lẫn nhau trong một quy trình chuẩn. Các cơ sở đào tạo cần đẩy mạnh thực hành, có những chuẩn mực quốc tế.

bo truong Phung Xuan Nha

Giáo sư – Tiến sĩ Phùng Xuân Nhạ – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ông Nguyễn Quốc Kỳ – Chủ tịch HĐQT công ty Vietravel cho biết nhân lực ngành du lịch đang thiếu trầm trọng, đặc biệt là nhân lực buồng phòng. Ở các thành phố trung tâm về du lịch thì thiếu các trường đào tạo về du lịch. Ông Kỳ nêu vấn đề cấp thiết hiện nay là cần mở các trường đào tạo nghề, định hướng nghề cho học sinh cuối cấp để các em tập trung phát triển kiến thức, chuyên môn. Trình độ là bắt buộc, tuy nhiên thái độ quan trọng hơn. Nhà trường cần trang vị cho sinh viên những thách thức từ thị trường lao động

Nhiều đại biểu cho rằng chất lượng đào tạo du lịch hiện nay của Việt Nam rất thấp so với các nước, trong đó có nguyên nhân là do thời lượng thực hành ít. GS TS Mai Hồng Quỳ – Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen cho biết sinh viên ở nước ngoài được học với thời lượng lý thuyết và thực hành chiếm 50/50, trong khi sinh viên đại học tại Việt Nam được dạy chú trọng vào lý thuyết. Điều này dẫn tới tình trạng sinh viên khi tiếp cận những công việc về du lịch thì doanh nghiệp phải đào tạo lại.

Ông Phan Đình Huê – Giám đốc công ty du lịch Vòng Tròn Việt khẳng định sinh viên ra trường muốn được tiếp nhận vào doanh nghiệp làm việc cần trả lời câu hỏi LÀM ĐƯỢC GÌ chứ không phải BẰNG CẤP Ở TRÌNH ĐỘ NÀO. ” Nhà trường cần đào tạo kiến thức cụ thể cho sinh viên chứ không phải là hệ thống kiến thức tổng quát chung chung, để sinh viên ra trường có thể làm được các công việc cụ thể để tránh lãng phí do doanh nghiệp phải đào tạo lại. Bên cạnh đó, giảng viên cần là những người thực tế tiếp xúc với nghiệp vụ để có kinh nghiệm thực tế truyền đạt cho sinh viên chứ không chỉ là dạy lý thuyết suông”, ông Huê nêu kiến nghị.

Cùng chung quan điểm trên, ông Võ Anh Tài – Đại diện Saigontourist cho rằng chất lượng chất lượng đầu ra để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp là yếu tố quyết định. Không phải là sinh viên tốt nghiệp trường giỏi sẽ được nhận làm việc lâu dài, hoặc sinh viên trường cấp dưới là không nhận được cơ hội làm việc. Bằng cấp chưa phải là điều kiện hàng đầu, quan trọng là kỹ năng, thái độ của sinh viên đối với công việc mình làm. Đó mới là yếu tố tiên quyết để doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên vào làm việc.

Cần lắm sự kết nối

Theo PGS TS Võ Thị Ngọc Thúy – Viện phó Viện Đào tạo quốc tế TP.HCM thì doanh nghiệp cần tham gia vào quá trình đào tạo của nhà trường. Thời gian thực tập 2-3 tháng tại doanh nghiệp là quá ít để sinh viên được học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng làm việc.

Tại hội thảo “Đào tạo để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân lực du lịch”, Bà Võ Thị Tuyết Phương – Giám đốc nhân sự Khách sạn Caravelle SaiGon nêu ý kiến cần sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp để lắng nghe những góp ý về sinh viên sau kỳ thực tập, giúp sinh viên cải thiện kỹ năng và định hướng công việc, nghề nghiệp cho các bạn.

Giải đáp một số kiến nghị của các trường, các doanh nghiệp diễn đàn tại “Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam” , Bộ trưởng Bộ Giaó dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ khuyến khích xã hội hóa, tạo chuỗi tuần hoàn, hỗ trợ lẫn nhau giữa đơn vi đào tạo với các DN, tăng cường thực hành với chuẩn mực quốc tế hóa… Tạo học bổng khuyến khích học sinh giỏi, chú trọng ngoại ngữ, kiến thức bổ trợ cho người học, giúp nâng cao giá trị gia tăng… Bộ Giaó dục Đào tạo sẽ cùng Bộ Văn hóa Thẻ thao Du lịch, các tập đoàn phối hợp đưa ra các chương trình đào tạo, theo hướng chuẩn hóa quốc tế, tránh tình trạng đào tạo đa dạng nhưng không chuẩn hóa, không công nhận lẫn nhau…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, tôi tóm lược gói gọn trong 3 chữ “c”, bao gồm: 

– Con người (nâng cao ý thức, sẵn sàng giúp đỡ du khách, đặc biệt là người dân địa phương)

– Cơ sở hạ tầng (hạ tầng du lịch, hạ tầng kết nối giao thông chính là những chữ c quan trọng)

– Chiến lược (Bộ VH-TT-DL cần đưa tầm nhìn chiến lược dài hạn, cùng với các ngành khác với lộ trình, bước đi phù hợp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam)”

thiết kế website mức giá thành hợp lý gồm có các gì? 5++ Đơn vị thiết kế website tại Hà Nội dẫn đầu 2024