40 năm giảng dạy trong ngành, là thầy, là sư của hàng ngàn sinh viên, hướng dẫn viên du lịch không chỉ trong nước mà cả quốc tế, thầy Trần Thanh Liêm – Trưởng ngành Hướng dẫn du lịch trường Trung cấp Việt Giao được ví như một cuốn “bách khoa toàn thư” về ngành du lịch. Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, pv có dịp trò chuyện với thầy.
Thưa thầy, hiện nay có xu hướng nhiều học sinh đổ xô đi học trung cấp, đặc biệt là ngành Hướng dẫn du lịch. Vậy trung cấp có phải là cách học theo kiểu đường vòng?
Học trung cấp hiện nay không còn là đường vòng mà là con đường tắt đón đầu. Tôi cho rằng, với những em vừa tốt nghiệp lớp 9 cần xác định cho mình hướng đi học nghề phù hợp bản thân các em hơn. Dẫu biết rằng, học đại học là để hoàn chỉnh mình hơn, nhưng với những em sớm có định hướng nghề nghiệp thì nên chọn cho mình con đường khác ví dụ như vừa học nghề vừa học văn hóa vì đại học đào tạo nhà nghiên cứu, hoạch định, hoạt động nghề thì học trung cấp sẽ tốt hơn. Tốt nghiệp trung cấp các em vẫn có thể học liên thông lên đại học với tổng thời gian rút ngắn hơn nhiều so với con đường truyền thống.

Để học thành công, theo thầy sinh viên cần lưu ý điều gì?
Đi học là phải học thật, chú ý học, không có chuyện xin điểm, nâng điểm được vì điều đó nguy hiểm vô cùng và hệ lụy của nó rất dai dẳng. Các em cần xác định rõ học để làm nghề chứ không phải học để đi du lịch thì từ đó sẽ có định hướng học tập đúng đắn.
Sau nhiều năm giảng dạy trong ngành du lịch, tôi cho rằng nhiều em đã thành công là chính là nhờ sự học hỏi, năng động trong công việc biết lắng nghe, sẻ chia với du khách.
Bên cạnh đó các trường nên cho các em học lý thuyết phù hợp với chương trình đào tạo. Chúng ta không quên giáo dục nhân cách để các em hoàn chính nhân cách hoàn chỉnh nghề nghiệp để các em nên người. Thầy cô tham gia giảng dạy phải nuôi được tình yêu nghề của các em.
Những môn học nào sẽ giúp người học trở thành hướng dẫn viên giỏi, thưa thầy?
Đối với chương trình học nghề, tôi nghĩ là bạn nào cũng thích học vừa có lý thuyết vừa thực hành để sau này vững nghề hơn. Với hệ thống kiến thức trong môn tuyến điểm (học về những địa điểm du lịch, tuyến đường du lịch chủ yếu – PV) sẽ khiến người học trở nên hứng thú hơn, toàn bộ hệ thống kiến thức môn tuyến điểm, sẽ được giảng viên giảng dạy rất chi tiết.
Môn này chiếm tỷ lệ học lý thuyết và thực tế cao nhất để ra hành nghề, đi kèm là môn nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, học tốt những môn này, học viên sẽ tự tin hành nghề.
Ngoài ra, muốn trở thành hướng dẫn viên giỏi thì cần nhiều yếu tố trong đó người học phải có tâm, có đam mê, yêu nghề, yêu du khách, nhã nhặn trong ứng xử, linh hoạt, nhạy bén trong công việc…

Là giảng viên có nhiều năm giảng dạy trong ngành du lịch thầy có thể đề xuất gì nhằm giúp ngành phát triển trong giai đoạn hiện nay?
Thời gian qua, nhiều thế hệ học trò của tôi hiện đang làm việc, quản lý trong ngành du lịch cho rằng, thời điểm sau dịch là thời điểm các doanh nghiệp phải vực dậy để ổn định, phát triển cho công ty, đơn vị. Với tình hình trong giai đoạn hiện nay tôi cho rằng Chính phủ cần có biện pháp tham gia điều hành, chỉ đạo. Chúng ta có thể lấy bài học từ Thái Lan, Ví dụ chính sách của Thái Lan sau trận động đất Fuket như con số 0 nhưng, Chính phủ mở họp báo, mời 100 cơ quan báo chí, truyền thông nổi tiếng thế giới tham gia, tuyên truyền, từ đó, hoạt động du lịch sớm trở lại với đất nước này rất nhanh. Chúng ta nên có những bài học như thế, và tôi nhấn mạnh vai trò đặc biệt từ sự điều hành của Chính phủ.
Theo thầy, nhân sự trong ngành cần thay đối thế nào để việc phát triển ngành tốt hơn?
Việc làm sao để có đội ngũ nhân sự tốt thì không những ngành Du lịch, mà bất cứ ngành nghề nào cũng cần. Việc đào tạo đội ngũ nhân sự cho ngành tôi cho rằng cần lâu dài chứ không phải mang tính nhất thời.
Hơn nữa, nếu người thầy giảng dạy để làm giàu cho mình, nhưng không chú ý đến sự phát triến cho ngành nghề trong đơn vị nhà nước cũng như tư nhân, cần xem xét lại mình. Ngành du lịch là hoạt động mang tính bền vững, do đó để thu hút được khách đòi hỏi nhân sự phải vững chuyên môn, giỏi nghiệp vụ và có tâm với nghề, điều đó thể hiện qua phong cách làm việc của hướng dẫn viên, tình cảm của họ đối với du khách. Lãnh đạo ngành cần chú ý đến sự phát triển nhân sự một cách thường xuyên, có tính liên tục.
Xin cảm ơn thầy! nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 kính chúc thầy thật nhiều sức khỏe, tiếp tục là một người “lái đò” tận tụy đào tạo thế hệ sinh viên du lịch ngày càng xuất sắc.