Tuyển sinh 2018: Đằng sau những ưu đãi “khủng”

Tuyển sinh 2018: Đằng sau những ưu đãi “khủng”

Tung ra nhiều chính sách ưu đãi về học phí, điều kiện học tập, hứa hẹn cơ hội việc làm nhằm thu hút sự quan tâm của học sinh và phụ huynh. Đằng sau câu chuyện đó là dấu chấm hỏi về chất lượng đào tạo và đầu ra của học sinh sau khi tốt nghiệp.

huong nghiep chon nghe1
Từ câu chuyện tuyển sinh ồ ạt…
Những năm gần đây, số lượng các trường đại học, cao đẳng, trung cấp xuất hiện ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, cơ chế tuyển sinh, chế độ ưu tiên, các hình thức xét tuyển trở nên dễ dàng đã tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho các bạn trẻ bước chân vào giảng đường.
Ngay từ tháng 1/2018, một số trường đã công bố phương án tuyển sinh, bổ sung phương thức xét tuyển, tổ hợp môn xét tuyển mới và những ngành học mới, để thí sinh có thêm cơ hội lựa chọn ngành nghề.
Nhiều trường đã đưa ra các phương án nhằm thu hút người học như đầu tư cơ sở vật chất, cập nhật thêm nhiều chương trình mới, triển khai nhiều dự án hợp tác giáo dục quốc tế, đi tư vấn trực tiếp tại hệ thống trường trung học phổ thông ở nhiều tỉnh thành…
Đại diện Trường Trung cấp V (TP.HCM) cho biết, học sinh tốt nghiệp lớp 9 đăng ký học tại trường sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi gần như miễn phí 100% học phí và các khoản phí , như miễn phí đồng phục, các giấy tờ thủ tục liên quan đến đến bảng điểm, giấy xác nhận, hồ sơ vay vốn, lệ phí cấp bằng, lệ phí tốt nghiệp, xe đưa rước học sinh sinh viên, hỗ trợ nhà trọ – ký túc xá và chỉ thu khoản chênh lệch học phí so với chính sách hỗ trợ miễn giảm học phí của nhà nước, tương đương 1-2 triệu đồng/học kỳ… Trước những ưu đãi này, nhiều người đặt câu hỏi hoài nghi về tính lợi nhuận và chất lượng đào tạo của nhà trường.
Trước đó, vào năm 2000, trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng là tâm điểm chú ý của ngành giáo dục khi “làm mưa làm gió”, tuyển sinh ồ ạt, thường xuyên vượt chỉ tiêu tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo duyệt. Ngay từ năm 2002 trường có 1.400 chỉ tiêu thì số lượng tuyển thực lên 1.549 sinh viên.
Năm 2003, chỉ tiêu tăng lên 1.500, số tuyển thực lên 1.653. Sang năm 2005 chỉ tiêu của trường là 1.700, số lượng tuyển vọt lên 1.932. Năm 2008 trường tiếp tục vượt gần 200 chỉ tiêu so với mức cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
…Đến việc bán trường hàng loạt
Trong giới kinh doanh hiện nay có một xu thế ngầm là các doanh nghiệp sẽ đầu tư ồ ạt theo bề nổi như cơ sở vật chất, đội ngũ lao động…sau đó bán để thu về lợi nhuận.
Quay trở lại lĩnh vực giáo dục, một sự trùng hợp ngạc nhiên là hàng loạt các trường đều có doanh nghiệp đứng phía sau hậu thuẫn hoặc sang tên đổi chủ cho các tập đoàn, doanh nghiệp.
15 năm sau ngày “làm mưa làm gió”, năm 2015, dư luận lại tiếp tục bất ngờ với thông tin Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng chính thức được chuyển giao cho nhà đầu tư mới là Tập đoàn Công nghệ và giáo dục Nguyễn Hoàng với mức đầu tư 500 tỷ đồng.
Tại khu vực miền Trung, Trường ĐH Phan Thiết (Bình Thuận) cũng được bán cho một nhóm nhà đầu tư mới với giá khoảng 60 tỷ đồng. Trường ĐH Thái Bình Dương (Khánh Hòa) được bán lại cho Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Hay Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TPHCM (UEF) sang tay cho chủ mới là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển giáo dục Hutech, với mức giá chuyển nhượng gần 200 tỷ đồng.
Hiện tại, trường Trung cấp V cũng đã có chủ đầu tư mới là Công ty Cổ phần Phát triển H – một doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thủy hải sản.
Theo các chuyên gia giáo dục, việc mua bán trường là bình thường. Tuy nhiên, để giáo dục lành mạnh thì cần có quy định nhà đầu tư không trực tiếp đầu tư vào trường mà thông qua một quỹ trung gian. Bên cạnh đó, các đơn vị đầu tư, mua bán cần tìm hiểu rõ về trường trước khi giao dịch để tránh tình trạng “nổ bong bóng”. Phụ huynh, học sinh cũng cần thận trọng, đặt câu hỏi hoài nghi trước những ưu đãi “khủng” từ lời quảng cáo của các trường./.