Chuẩn đầu ra cho nhân sự ngành du lịch

Việc liên kết giữa doanh nghiệp với các trường nhằm thống nhất chương trình đào tạo có chất lượng. Đây đang là bài toán đặt ra cho ngành du lịch nhằm chuẩn đầu ra cho nhân sự ngành này.

Theo PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng – Trưởng ban Ban Đào tạo & Nghiên cứu khoa học Ban chấp hành Hiệp hội Du lịch TP.HCM thì cơ cấu trình độ đào tạo nhân lực ngành du lịch nước ta đang mất cân đối. Nhân lực quản trị, giám sát chiếm 25% là nhiều (tỷ trọng phù hợp là 15% tổng nhân lực). Trong đó, tỷ trọng nhân lực kỹ thuật lành nghề chỉ là 75% (phù hợp phải là 85%). Tỷ lệ thầy – thợ hiện tại là 1:3 (hợp lý là vào khoảng 1:6)

Quy mô đào tạo mới tuy tăng mạnh nhưng chưa đáp ứng nhu cầu xã hội. Tuyển sinh hàng năm ở các bậc đào tạo mới đáp ứng được hơn 65% nhu cầu đào tạo du lịch của xã hội, khoảng 75% nhu cầu nhân lực làm việc trực tiếp của ngành.

Hiện việc liên kết đào tạo ngành du lịch theo nhu cầu xã hội ở trong nước chưa tốt. Liên kết giữa 3 nhà: nhà nước – nhà trường – nhà sử dụng lao động tuy đã khắc phục được một số hạn chế, bất cập nhưng vẫn còn rời rạc, chưa bài bản.

Theo văn bản số 4929 của Bộ GDĐT ngày 20/10/2017 về việc áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành về Du lịch, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành…thì việc phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo là điều kiện bắt buộc.

Hiện nay, có một nghịch lý là ngành dịch vụ của chúng ta không thiếu nhân công mà chỉ thiếu nhân công lành nghề. Trong đó phải kể đến phần lớn nguyên nhân là do việc đào tạo trong ngành chưa đủ thực tế, chưa bám theo nhu cầu chính yếu của thị trường. Đào tạo thường tập trung vào lý thuyết mà yếu về thực hành. Vì vậy sinh viên ra trường thua kém các nước trong khu vực về nhiều kỹ năng, như: trình độ ngoại ngữ, tự tin trong giao tiếp, các kỹ năng nghề nghiệp không đạt chuẩn quốc tế…

Doanh nghiệp luôn đánh giá cao những ứng viên có năng lực và kỹ năng mềm

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Phi – Giám đốc khách sạn Oscar thì hiện nay sinh viên đại học ra trường nhiều doanh nghiệp không nhận làm việc do mang tâm thái học xong ra trường sẽ làm thầy. “Một doanh nghiệp có 100 lao động thì trong đó chỉ có một người làm sếp. Do đó, nhà trường cần định hướng tư duy làm việc hướng nghiệp cho sinh viên. Mặt khác, doanh nghiệp luôn mong muốn tiếp nhận người làm việc ngay chứ không phải đào tạo lại”.

Cùng chung quan điểm đó, đại diện khối khách sạn nhà hàng công ty du lịch Bến Thành cho biết: “Sinh viên đại học ra trường luôn xác định ít nhất là làm sale, điều hành chứ không phải hướng dẫn viên, phục vụ, trong khi đó họ không biết những kỹ năng này. Nhà trường và doanh nghiệp cần ngồi lại với nhau trong công tác tuyển sinh, cam kết chất lượng đầu ra. Doanh nghiệp chỉ đảm bảo mảng thực tập còn đảm bảo việc làm về sau thì phải do tự thân mỗi sinh viên cố gắng”.

Ở châu Âu có sự kết hợp giữa trường đại học và trường nghề. Trong đó, đại học dạy ở tầm vĩ mô, sau đó cho sinh viên xuống trường nghề để tiếp cận thực tế.

Ông Trần Phát – Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Du lịch Việt Nam cho biết “Những sinh viên tốt nghiệp từ các trường trung cấp, trường nghề luôn được chúng tôi đánh giá cao, bởi đặc thù chương trình đào tạo của các trường nghề là phần thực hành chiếm tới 70% thời lượng khóa học. Hơn nữa, sinh viên tốt nghiệp từ các trường này thường rất “lăn xả” trong mọi công việc”.

Nhiều doanh nghiệp “săn” nhân viên từ nguồn các trường trung cấp

“Năng lực người học và năng lực hành nghề là khác nhau. Chương trình đào tạo cần nhắm tới người học vì năng lực thực hành mới là cái mà doanh nghiệp cần” – Giám đốc khách sạn Kỳ Hòa nhận định.

Đến năm 2020, nhu cầu nhân lực sẽ phát triển cả về số lượng và chất lượng với cơ cấu phải hợp lý hơn theo yêu cầu đòi hỏi của sự phát triển du lịch và xu thế phát triển khoa học công nghệ khi nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để du lịch phát triển được cả về “chất” và “lượng” thì việc liên kết giữa doanh nghiệp – cơ sở đào tạo nhằm đi đến thống nhất trong việc chuẩn hóa đầu ra cho đội ngũ nhân sự là nhu cầu tất yếu.