Không tán thành với quyết định của Bộ GD-ĐT về việc dừng tuyển sinh đến 15 ngành đào tạo, ngày 10-2 Trường ĐH Sân khấu – điện ảnh Hà Nội đã có buổi gặp gỡ báo chí.
Trao đổi bên lề cuộc gặp với Tuổi Trẻ, ông Trần Thanh Hiệp – hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu – điện ảnh Hà Nội – cho hay trường đã có báo cáo để nói rõ về đặc thù đào tạo các ngành nghệ thuật gửi Bộ GD-ĐT, đề nghị bộ xem xét, tạo điều kiện cho trường tiếp tục được tuyển sinh, nhanh chóng ổn định hoạt động.
Người tiền nhiệm của ông Hiệp, NGND – đạo diễn Lê Đăng Thực, khẳng định: “Nghệ thuật cần những tác phẩm để đời, chứ không phải bằng cấp, nhất là ở thời đại mà tiến sĩ quá nhiều, trong đó có không ít tiến sĩ giấy. Chúng tôi hiểu tâm trạng của một cơ quan quản lý, làm luật thì muốn siết luật, nhưng có vẻ việc siết lần này của bộ không đúng chỗ”.
Nhà biên kịch Lê Quý Hiền nhấn mạnh rất nhiều ngành nghệ thuật truyền thống, các nghệ nhân có tài năng đã vượt trên mọi bằng cấp. Song nếu cứ cứng nhắc áp quy định của bộ, đợi những nghệ nhân chèo, nghệ nhân hát xẩm… đi học tiến sĩ mới cho dạy ĐH thì coi như “bóp chết” những ngành nghệ thuật này.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến – nguyên phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN – thì mạnh mẽ tuyên bố việc áp dụng quy chuẩn một tiến sĩ, ba thạc sĩ đúng chuyên ngành mới được mở ngành theo cách hiểu rất “nôm na” của Bộ GD-ĐT để áp vào các ngành nghệ thuật sẽ chỉ có một tác động duy nhất là… biến hệ thống nhà trường thành thứ robot thuần túy. “Bộ GD-ĐT có thể mò đâu ra được một tiến sĩ nhiếp ảnh? Kể cả chủ tịch Hội Nhiếp ảnh VN cũng không phải là tiến sĩ” – ông Huyến nói.
Ông Trần Thanh Hiệp cho rằng quyết định dừng tuyển sinh đến 15 ngành đào tạo ở Trường ĐH Sân khấu – điện ảnh là quyết định kỳ lạ và có phần mâu thuẫn với chính “Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” mà Thủ tướng Chính phủ ban hành cùng ngày 25-1-2014. “Bộ GD-ĐT thì yêu cầu dừng tuyển sinh. Còn quy hoạch của Thủ tướng lại đặt ra mục tiêu từ năm 2014 bảo đảm số lượng đào tạo chính quy hằng năm cho ngành điện ảnh là 15-20 đạo diễn, 10-15 nhà sản xuất phim, 10-15 biên kịch, 10-20 quay phim… Nhưng với yêu cầu một tiến sĩ, ba thạc sĩ mới được mở ngành thì có lẽ không bao giờ VN có ngành đào tạo sản xuất phim… Nếu thực hiện quyết định của bộ thì gần như vô hiệu hóa mục tiêu đặt ra trong quy hoạch về ngành điện ảnh của Thủ tướng” – ông Hiệp phân tích.
NGỌC HÀ báo Tuổi Trẻ