Food Stylist hay còn được gọi là “Người thiết kế hình ảnh món ăn” là một ngành nghề mới đang rất phát triển ở những nước tiên tiến trên thế giới.
Khi nhu cầu thưởng thức món ăn được nâng lên tầm nghệ thuật thì việc trau chuốt hình ảnh món ăn một cách hoàn hảo đến công chúng là cách các nhà hàng sử dụng để tăng tính cạnh tranh. Thời gian gần đây tại các thành phố lớn ở nước ta, ngày càng có nhiều người theo đuổi đam mê làm Food Stylist. Và ngành học này cũng trở nên được chú trọng hơn trong đào tạo nghề bếp chính thống.
Tại lớp chuyên ngành “Quản trị bếp và trang trí ẩm thực” Trường Trung cấp Việt Giao, bộ môn trang trí món ăn đã được tăng thêm số tiết. Đây không phải là bộ môn mới trong ngành ẩm thực. Nhưng trước nhu cầu cập nhật kiến thức, bộ môn này sẽ có thêm phần học “Sáng tạo hình ảnh” theo đúng tinh thần Food Stylist. Học viên sau khi được học thiết kế món ăn trên dĩa sẽ được bổ sung thêm kiến thức chụp và chỉnh sửa hình ảnh món ăn.
Người làm nghề Food Stylist trên thế giới không nhất thiết phải biết nấu ăn, do đây là công việc sáng tạo nghệ thuật cho các báo, tạp chí, chương trình truyền hình ẩm thực được đặt hàng dựa trên món ăn cung cấp bởi các nhà hàng. Nói cách khác đây là những nhà thiết kế và bán sản phẩm là hình ảnh món ăn.
Tại Việt Nam, khi các trang đánh giá và gợi ý chỗ ăn uống như Foody, Diadiemanuong, Lozi phát triển mạnh mẽ thì Food Stylist cũng phát triển theo như một phần của công việc biên tập nội dung và có thu nhập cao.
Tuy nhiên do vẫn còn mới nên những Food Stylist tại Việt Nam thường không có bằng cấp chính thống, số ít còn lại là những người được đào tạo bài bản từ nước ngoài trở về.
Food Stylist phát triển cũng tạo ra những chuyện bi hài trong giới ẩm thực. Nhiều món ăn thực tế hoàn toàn khác xa so với hình ảnh minh họa, và không đáp ứng được kì vọng của thực khách. Vì vậy, đa số các đầu bếp chuyên nghiệp đều cho rằng hình ảnh món ăn luôn cần thống nhất với thực tế. Cho nên chỉ có người làm bếp mới có thể làm được điều đó chứ không phải là người chụp hình.