Xây dựng chiến dịch truyền thông cho nhiều đối tượng; đưa doanh nghiệp vào tham gia các hội thảo xúc tiến du lịch; thiết kế các tour du lịch có ưu đãi về giá…là những ý kiến được các đại biểu trường Trung cấp Việt Giao đóng góp trong cuộc thảo luận hiến kế liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM với Đông Bắc, Tây Bắc và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Nhiều đại biểu đề xuất việc tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho hướng dẫn viên khu vực phía Bắc.
Các đại biểu cũng nêu ý kiến các tỉnh, thành phố hỗ trợ nhau trong công tác đào tạo nhân lực du lịch tại các cơ sở đào tạo hiện có của địa phương hoặc liên kết với những đơn vị đào tạo chuyên về du lịch có uy tín.
Tiến sĩ Hồ Văn Tường cho rằng việc liên kết đào tạo không chỉ đào tạo mới mà cần cả đào tạo lại, trong đó cần có sự liên kết với các trường chuyên đào tạo về du lịch với các điểm du lịch. “Các trường tham gia trong sự liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Bắc, Đông Bắc chủ yếu về đào tạo nhân lực trình độ trung cấp và sơ cấp, về các ngành: chế biến thức ăn, đồ uống; nghiệp vụ khách sạn nhà hàng; hướng dẫn viên du lịch…”
Cùng quan điểm đó, thầy Vũ Nghiêm Hải – giảng viên ngành Hướng dẫn du lịch cho biết thực tế hiện nay nhiều hướng dẫn viên còn hạn chế về kiến thức và kỹ năng. Do đó mà việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho đội này là vấn đề hết sức cần thiết.
Các tỉnh, thành phố lựa chọn, giới thiệu các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng và các dự án trọng điểm về phát triển du lịch để các thành viên cùng tham gia giới thiệu, xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch; cùng nhau thúc đẩy, phát huy lợi thế để khai thác đường hàng không từ Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) đến Đông Bắc, Tây Bắc và Trung Bộ; khai thác du lịch đường thủy kết nối các địa phương trong vùng, khai thác các tuyến cao tốc…
Cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chú ý tập trung vào các nhóm giải pháp sau: tăng cường liên kết kêu gọi đầu tư tư nhân, FDI vào cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. Thực tiễn cho thấy, một số địa phương trong vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Trung Bộ còn nhiều hạn chế về hạ tầng giao thông và hạ tầng du lịch, như thiếu đường dẫn đến các tuyến điểm du lịch, cảng thủy nội địa, bến bãi đường sông; chưa có nhiều lựa chọn về khu vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú, phương tiện vận chuyển khách du lịch…; đẩy mạnh liên kết phát triển nguồn nhân lực của ngành.
Với đặc điểm nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn Đông Bắc, Tây Bắc, Trung Bộ và TP. Hồ Chí Minh, việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch của vùng Đông Nam Bộ cần nghiên cứu kỹ, có kế hoạch cụ thể cho từng nhóm đối tượng, từng địa bàn để không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành du lịch, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao dân trí và bảo tồn các nét đẹp văn hóa của các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn.
Với thế mạnh tập trung gần 40% tổng số cán bộ khoa học của cả nước, hàng chục đơn vị đào tạo du lịch và gần 1.300 doanh nghiệp, hơn 4.500 cơ sở lưu trú, TP Hồ Chí Minh có vai trò chủ lực trong công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho cả vùng và cả nước; liên kết trong phát triển sản phẩm và công tác quảng bá, truyền thông cần phải có chiến lược cụ thể.
Ngoài ra, các tỉnh Đông Bắc cần chia sẻ kinh nghiệm về phát triển du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, tâm linh, sinh thái, khám phá, lịch sử – văn hóa…Các tỉnh Tây Bắc phát triển mạnh sản phẩm du lịch về nghỉ dưỡng, văn hóa các dân tộc thiểu số, trải nghiệm, cộng đồng, lễ hội, văn hóa ẩm thực…