TPHCM thiếu nhân lực giỏi trong nhóm ngành du lịch – nhà hàng – khách sạn.
Nhu cầu luôn tăng
Đồng thời với triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa 2014 – 2015, nhu cầu tuyển dụng nhân lực của ngành du lịch tại TPHCM cũng có xu hướng tăng. Năm 2014, nhu cầu tuyển dụng nhân sự của ngành này tăng hơn 65% so với năm 2013 và chiếm tỷ trọng gần 5,5% trong tổng nhu cầu nhân lực toàn TP. Sang những tháng đầu năm 2015, nhu cầu tăng đến hơn 40% so với tháng 12-2014 và tương ứng, tỷ lệ lao động cho ngành này đã chiếm gần 8,6% trong tổng số nhu cầu tuyển dụng ở TP. Quý 2-2015 là thời điểm TPHCM tập trung nhiều hoạt động trong khuôn khổ các sự kiện lớn của đất nước và cũng chào mừng Năm du lịch quốc gia 2015 với chủ đề “Kết nối di sản thế giới”, nhu cầu nhân lực bổ sung các ngành nghề dịch vụ phục vụ, dịch vụ du lịch tiếp tục có xu hướng tăng cao.
Bà Lê Thị Thu Hương, đại diện Công ty cổ phần Thương mại – Dịch vụ Cổng Vàng, cho biết, thời gian tới, công ty có nhu cầu tuyển từ 2.000 – 2.300 ứng viên, tập trung ở các vị trí như: phục vụ, pha chế, nhân viên bếp với thu nhập từ 3 triệu đồng trở lên. Khan hiếm nhân lực đã khiến nhiều đơn vị chưa tuyển được người giỏi. Phó Tổng Giám đốc một khách sạn 5 sao ở trung tâm TPHCM cho hay, vị trí phó giám đốc bộ phận ẩm thực của khách sạn đã phải để trống cả nửa năm. Trong khi chưa tuyển đủ người, đơn vị còn phải lo giữ chân lao động có năng lực trước cuộc cạnh tranh khốc liệt. Vị lãnh đạo trên cho biết, các nhân viên khách sạn tham gia dự thi một số cuộc thi về ẩm thực trên truyền hình, khi chuẩn bị bước vào chung kết đã có nhiều đơn vị khác tiếp xúc, trả lương cao gấp 3 lần mức lương hiện tại. Chắc chắn, sự “ra giá” trên sẽ tác động ít nhiều đến tâm tư của người lao động và buộc khách sạn cũng phải có chiến lược nhân sự, gắn kết người lao động phù hợp trong tình hình hiện nay.
Không chỉ “khát” nhân lực trong năm nay, dự kiến, từ nay đến năm 2020, mỗi năm TPHCM cần khoảng 21.600 lao động khối ngành dịch vụ (khoảng 8% tổng nhu cầu). Đây là ngành có nhu cầu lao động cao nhất trong 9 nhóm ngành kinh tế dịch vụ trọng điểm tại TPHCM (giai đoạn 2015 – 2020) và cũng là nhóm ngành có lượng nhu cầu nhân sự gấp 2, 3 lần so với các ngành trọng điểm khác như giáo dục, y tế, tài chính, bất động sản, công nghệ thông tin…
Ngoại ngữ: Rào cản lớn nhất
Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch), mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động. Tuy nhiên, lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Nhiều hướng dẫn viên du lịch dù được đào tạo chính quy ở các trường đại học, cao đẳng… nhưng khi được tuyển dụng làm việc hầu hết doanh nghiệp lữ hành đều phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung về kỹ năng, ngoại ngữ.
Tại TPHCM, có hơn 50 trường đào tạo các chuyên ngành về du lịch và chỉ đáp ứng được 60% so nhu cầu, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn nhân lực du lịch. Chương trình đào tạo tại nhiều trường còn chú trọng đến lý thuyết mà chưa có điều kiện tổ chức nâng cao thực hành vì vậy, sinh viên, học viên ra trường thiếu kỹ năng. Thực tế, nhân lực ngành du lịch phải được học từ thực tế để biết cách tổ chức, xử lý tình huống, thông thuộc địa bàn du lịch.
Mỗi năm, TPHCM đón hàng triệu lượt khách quốc tế và con số này tăng lên hàng năm. Tuy nhiên khó khăn hiện nay của ngành du lịch là nguồn nhân lực này còn yếu về ngoại ngữ. Các đơn vị tuyển dụng nhân sự ngành này, đặc biệt với các vị trí quản lý đều yêu cầu ứng viên phải giỏi tiếng Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Theo khảo sát của một số công ty du lịch, có tới 30% – 45% hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour và 70% – 85% nhân viên lễ tân nhà hàng không đạt chuẩn về ngoại ngữ. Trình độ ngoại ngữ yếu, kỹ năng nghiệp vụ thiếu, đã làm nhiều đơn vị ngành du lịch không khai thác hết được nguồn lợi du lịch từ khách nước ngoài. Mặt khác, nếu không giỏi ngoại ngữ, những nhân viên trong ngành du lịch cũng khó hoàn thành tốt nhiệm vụ và phát triển nghề nghiệp chuyên môn, không thể giải thích cho người nước ngoài hiểu về văn hóa Việt và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam.
Trước tình hình hiện nay về nhu cầu nhân lực nhóm ngành du lịch, nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi cần sớm được sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, ngành, các cấp liên quan. Cần chú trọng đầu tư vào việc đào tạo chất lượng nguồn nhân lực theo hướng gắn với nhu cầu của doanh nghiệp; phải thống kê chính xác lượng cung – cầu lao động của ngành này để việc đào tạo cân đối cung – cầu thị trường lao động, tránh tình trạng nhân lực khối ngành du lịch vừa thừa vừa thiếu.