Ở tuổi ngoài 60, thầy vẫn miệt mài lên lớp bất kể trời sớm hay tối, nắng hay mưa. Chỉ cần sinh viên muốn được “chỉ giáo” là thầy sẵn sàng dành hàng giờ để ngồi hàn huyên tâm sự.
Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, niềm vui lớn nhất mà thầy nhận được là sự thành công của các thế hệ học trò. Nhiều em đã mở được công ty riêng, có em bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
Với thầy, những thành công ấy như một bản báo cáo kết quả của quá trình lĩnh hội kiến thức mà mình đã trao truyền.
Những điều thầy chưa kể
Xuất thân là con nhà võ nhưng bản thân thầy Hồ Văn Tường (tên thường gọi là Hồ Tường – pv) lại có tình yêu đặc biệt với nền văn hóa Việt Nam. Năm 1986 khi đang công tác ở Nhà văn hóa Quận 1 (TP.HCM) thầy được cử đi học về bảo tồn bảo tàng. Năm 1991, thầy tốt nghiệp và bắt đầu tham gia giảng dạy các môn học về hệ thống di tích và danh lam thắng cảnh Việt Nam. Năm 1993, thầy tiếp tục học lên cao học, lấy bằng thạc sĩ năm 1995. Năm 2005, thầy thi nghiên cứu sinh sau khi đăng ký chỉ một ngày. Bằng vốn kiến thức đã tích lũy suốt nhiều năm, thầy đã dễ dàng vượt qua kỳ thi với số điểm rất cao.
Năm 2009, thầy bất ngờ bị tai biến dẫn tới liệt nửa người. Những tưởng phải khép lại đam mê nhưng lý chí không cho phép thầy bỏ cuộc. Suốt 6 tháng trời ròng rã tập vật lý trị liệu, thầy đã bắt đầu đi lại được và nói chuyện lưu loát như bình thường. Năm 2012, thầy bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
Cùng với việc nghiên cứu văn hóa, xuất bản nhiều sách về di sản văn hóa như: Đình Nam bộ, Tín ngưỡng và nghi lễ, Tục lệ thờ Hai Bà Trưng và Liễu Hạnh Thánh mẫu, Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, Đình ở thành phố Hồ Chí Minh, Nghi lễ vòng đời người…, giảng viên – võ sư Hồ Tường còn truyền bá môn võ Tân Khánh – Bà Trà cho hàng vạn học sinh – sinh viên. Từ năm 1995, thầy mở lớp dạy võ miễn phí cho học sinh từ lớp 1 trở lên. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hàng vạn học sinh – sinh viên Việt Nam, trong đó có cả sinh viên người nước ngoài như Mỹ, Australia, Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Đức… là môn sinh của thầy.
Coi học trò là những truyền nhân
Ở trường Trung cấp Việt Giao, thầy là một trong những giảng viên “gạo cội” của ngành Hướng dẫn du lịch, đảm nhiệm giảng dạy các môn như: Văn hóa ẩm thực, Hệ thống di tích và danh thắng Việt Nam, Các dân tộc Việt Nam…
Bằng sự chân thành giản dị và tình yêu với nghề, ở bất cứ môn học nào, thầy Hồ Tường cũng luôn chia sẻ một cách đầy đủ nhất, chân thực, sinh động nhất những kiến thức mà mình có được. Theo thầy, phương pháp để nhớ hết những kiến thức văn hóa thì người học trước hết phải thích, từ đó sẽ có động lực để liên tục tìm tòi, tiếp thu học hỏi cái mới. Văn hóa là sản phẩm của cha ông để lại, là thông điệp mà tiền nhân đã gửi lại thông qua các biểu tượng có thể là vật chất hoặc tinh thần.
Nhiều học trò nhận xét thầy rất nghiêm khắc, tuy nhiên lại rất thích những môn học của thầy. Thầy cho rằng, đi học là phải học cho ra học, không được coi việc học như cuộc dạo chơi, vì học là chuẩn bị tương lai cho chính bản thân các em. Thầy cô la mắng vì thầy cô thương các em, muốn các em tập trung lắng nghe những gì thầy trao truyền để chuẩn bị kiến thức cho tương lai của chính các em sau này.
Quan điểm của thầy luôn coi sinh viên là khách hàng. Trong những bài giảng thầy cố gắng truyền đạt hết những kinh nghiệm, kiến thức mình có được và dạy thực tâm hơn. Điều đó không chỉ đáp ứng sự mong mỏi của sinh viên, phụ huynh, nhà trường mà cả xã hội.
Ngoài những kiến thức truyền đạt trên lớp thầy còn xây dựng nhiều chuyên đề, kết hợp với nhà văn hóa, trung tâm văn hóa và nhà trường tổ chức cho sinh viên đi học tập, tìm hiểu thực tế về các loại hình văn hóa dân gian như: đờn ca tài tử, nghệ thuật nói trước công chúng…bởi quan điểm của thầy là sinh viên phải nghe, phải thấy, phải cảm nhận được thì mới có thể giới thiệu một cách đầy đủ và chi tiết với du khách.
Với những cống hiến không ngừng cho nền văn hóa nước nhà, giảng viên, võ sư Hồ Tường được Nhà nước trao tặng “Huy chương vì sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa”. Ngày 4/1/2009, Trung tâm Sách Kỷ Lục Việt Nam (Vietnam records book center) đã xác lập kỷ lục đối với “Võ sư Hồ Tường, người dạy võ miễn phí cho sinh viên lâu năm nhất Việt Nam”. Mới đây, Trường Trung cấp Việt Giao cũng đã trao tặng thầy Hồ Tường bằng khen vì đã có nhiều thành tích đóng góp vào quá trình phát triển đơn vị nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập trường. Đây là sự ghi nhận và là minh chứng cho những nỗ lực không mệt mỏi của thầy với sự nghiệp trồng người và góp phần bảo tồn truyền thống văn hóa Việt Nam.
HN