Vai trò của trường nghề trong phát triển du lịch

Theo thống kê, trên địa bàn quận 10 hiện có 16 tài nguyên du lịch văn hóa, trong đó có 3 tài nguyên được đánh giá cao là Bảo tàng Y học cổ truyền Fito, Bảo tàng tượng sáp, chùa Việt Nam Quốc Tự. Riêng đối với dịch vụ lưu trú thì toàn quận có hơn 200 cơ sở lưu trú (chiếm 10% số lượng toàn thành phố), tuy nhiên chỉ có 2 khách sạn đạt chuẩn 3 sao.

Một trong những bất cập hiện nay xảy ra không chỉ ở riêng quận 10 là tình trạng chèo kéo khách. Điều này ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch trong mắt bạn bè quốc tế.

Tại Hội nghị tọa đàm phát triển du lịch quận 10, bên cạnh các ý kiến về việc tạo sản phẩm du lịch đặc trưng của quận, như xây dựng đường hoa, lễ hội phật đản, hoa xuân..; nâng cấp cơ sở hạ tầng và xây dựng các cụm du lịch để tạo điểm đến thu hút khách, nhiều chuyên gia đã đề xuất việc hợp tác với các trường trung cấp nghề để trang bị, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ nhân sự đang công tác tại các nhà hàng khách sạn trên địa bàn quận, đảm bảo tính chuyên nghiệp – văn minh – lịch sự.

TS Nguyễn Thành Phát – Hiệu trường Trường THCS Nguyễn Văn Tố nêu ý kiến về việc xây dựng lực lượng tiếp đón bằng cách tập trung đào tạo nguồn nhân lực. “Nên phối hợp với các trường dạy du lịch trên địa bàn quận như Trung cấp Việt Giao để trang bị kiến thức cho cộng đồng tiếp đón, về văn hóa ứng xử, cách giao tiếp…”, TS Phát nói.

Cùng chung quan điểm đó, ông Nguyễn Văn Thành – Chuyên viên Phòng Tư pháp Quận 10 góp ý về việc kết hợp với các trường để tổ chức những tour du lịch ngắn hạn cho sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội thực tập thực tế, để mỗi sinh viên là một tuyên truyền viên xuất sắc giới thiệu những danh lam thắng cảnh đẹp của địa phương tới du khách.

Thời gian qua, Sở Du lịch TP.HCM cũng đã tổ chức các lớp học trang bị kiến thức, kỹ năng và cấp chứng chỉ cho đội ngũ tài xế xe du lịch. Đây được coi là điểm sáng trong việc nâng cao kiến thức cho cộng đồng tiếp đón. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết: “Sở rất quan tâm đến vấn đề lan tỏa nhận thức đến cộng đồng, để mỗi người dân hiểu được rằng làm du lịch để sinh lợi cho chính mình, để khách du lịch cảm thấy thân thiện khi đến tham quan. Bên cạnh đó, cần kết hợp với các trường có đào tạo nghề du lịch để trang bị kiến thức về du lịch và phổ cập tiếng Anh cho người dân, mục tiêu tối thiểu nhất là người dân có thể chỉ đường cho du khách”.

Thực tế cho thấy, nhiều trường nghề đã hỗ trợ đắc lực cho công tác phát triển ngành du lịch. Bên cạnh việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan…các trường còn liên kết đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân sự đang làm việc tại đây; liên kết tổ chức các buổi tham quan, kiến tập cho sinh viên và du khách, góp phần nâng cao chất lượng, hình ảnh, tạo điểm nhấn thu hút khách cho doanh nghiệp nói riêng và ngành du lịch nói chung.

Thanh Thảo