CÔ PHAN THÚY OANH: BÍ QUYẾT GIỮ LỬA CHO HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

Tình yêu với nhiều món nghề nữ công thôi thúc cô Phan Thúy Oanh, giảng viên trường Trung cấp Việt Giao tự tìm tòi, học hỏi cho đến khi trở thành chuyên gia. Từ cắm hoa nghệ thuật cho đến cắt tỉa rau củ quả, làm bánh handmade, đan len… những tác phẩm của cô khiến ai cũng phải trầm trồ thán phục. Với đôi bàn tay tài hoa, cô đã truyền dạy nghề cho biết bao thế hệ và đây còn là bí quyết để cô giữ lửa cho hạnh phúc gia đình.   

Đi đường vòng để theo đuổi đam mê

Khi còn nhỏ, hình ảnh người mẹ dùng những chiếc đũa đánh bông trứng, bột để làm bánh bông lan đã in vào tiềm thức của cô bé Thúy Oanh. Thấy con thích các món ăn bánh Âu nhưng lúc bấy giờ quá khó khăn để mua được một chiếc bánh nóng hổi, bà đã tự tìm các tài liệu bằng tiếng Anh rồi mày mò làm bánh. Một chút chăm chút, một chút khéo léo của mẹ đã mang niềm vui cho con trẻ và hạnh phúc của gia đình. Và cũng chính từ đó, tình yêu đặc biệt với các món nghề nữ công đã nhen nhóm lên trong lòng cô bé Thúy Oanh. Không chỉ làm bánh, ngay từ nhỏ, Phan Thúy Oanh đã yêu thích cắm hoa. Ngày ấy không có nhiều loại hoa và cũng không có tiền mua hoa, cô bắt đầu tập tành cắm những bông cúc, vạn thọ trong nhà. Thời phổ thông, cô nữ sinh Thúy Oanh còn học thêm món nghề đan, móc len. Nhờ đôi bàn tay khéo léo, cô còn kiếm được tiền từ những chiếc khăn, áo xinh xắn để tiếp tục nuôi dưỡng đam mê.

Cô Phan Thúy Oanh cùng các bạn sinh viên Việt Giao trong giờ học cắm hoa nghệ thuật

Đến thời sinh viên, cô chọn ngành Quản trị Kinh doanh để theo học, thế nhưng tình yêu với những món nghề nữ công năm nào chẳng hề dứt. Một buổi đi học, một buổi cô lục lọi tài liệu về bánh, cắm hoa, cắt tỉa… kiếm được nội dung nào hay cô cắt để lưu giữ lại. Những tấm thiệp handmade ban đầu chỉ làm tặng bạn bè, các bạn yêu thích lại đặt hàng. Tài hoa không thiếu đất dụng võ, cô nhận làm hoa trang trí tiệc cưới, bó hoa bán vào các dịp lễ. Suốt thời sinh viên, cô gái đa tài này đã kiếm tiền bằng chính niềm đam mê của mình. Rồi bằng chính số tiền đó, cô tiết kiệm để mua nguyên liệu và tìm thầy học làm bánh, cắm hoa, cắt tỉa… Qua những nghệ nhân, những anh chị đi trước, sách báo và những khóa học ngắn hạn, cô tự chắt lọc và tổng hợp cho một “cẩm nang” về nghề. Cô gọi đó là “con đường vòng, mình vừa học tập từ thực tế vừa sáng tạo chứ không rập khuôn”.

Với các kiểu cắt tỉa, cắm hoa mà cô Thúy Oanh huớng dẫn, các bạn sinh viên đã có thể kiếm đuợc thu nhập trong dịp lễ tết

Giờ đây khi đã là một chuyên gia của nhiều món nghề nữ công, cô tiếp tục truyền thụ những bí kíp nghề cho các bạn trẻ tại nhiều trường Cao đẳng, Trung cấp, học sinh phổ thông. Để đến với bục giảng, cô giáo đa tài đã kiên trì đi những đoạn đường vòng khá xa. Khi còn là cán bộ đào tạo của trường Việt Giao, ban ngày đi làm, buổi tối cô mở những lớp dạy miễn phí cho học viên sơ cấp và các chị em trong khu phố. Rút kinh nghiệm đứng lớp và học hỏi thêm từ chính những học trò này, một thời gian sau cô mới chính thức dấn thân vào nghề giáo.

Ngón nghề cho tổ ấm hạnh phúc

Vừa theo đuổi niềm đam mê với những món nghề nữ công, cô vừa coi đó như tuyệt chiêu để chăm lo cho gia đình. Cô luôn tâm niệm rằng: “Đối với người Á Đông, phụ nữ dù ở vị trí nào cũng không xa rời căn bếp và vai trò người vợ, người mẹ giữ gìn hạnh phúc gia đình”. Cô khéo léo cân bằng giữa niềm đam mê, công việc và chăm sóc gia đình nhỏ của mình. Căn bếp nhỏ cũng chính là nơi cô rèn luyện và thể hiện tài hoa với hai bố con. Con đường đi đến trái tim người đàn ông thông qua dạ dày, nấu ăn ngon, chăm chút món ăn hấp dẫn, cô níu chồng bỏ cuộc nhậu với bạn bè để về ăn cơm nhà.

Cô Thúy Oanh huớng dẫn sinh viên một kiểu cắm hoa độc đáo – hoa sen trên nón lá

“Chiên trứng xong, điệu đà một chút mình lấy tương ớt, tương cà chấm chấm mắt mũi làm thành một chú hề hoặc cắt tỉa những con vật dễ thương cho bé thích ăn hơn. Con lúc nào cũng khen mẹ nấu ăn ngon. Vừa nấu ăn, mình vừa tỉa cà chua, dưa leo vừa luyện tay nghề vừa chăm chút cho bữa ăn ngon mắt hơn. Có khi bé học cửu chương, mẹ làm bánh, chốc chốc lại quay sang hỏi mẹ bài. Hai mẹ con quấn quýt nhau vừa học vừa làm” – Cô hào hứng kể về bí quyết nâng niu tổ ấm.

Một kiểu cắt tỉa thể hiện sự hòa hợp trong cuộc sống mà cô rất thích

Đến khi gia đình yên ấm với 2 bé yêu, cô mới bắt đầu thực hiện niềm đam mê ẩm ỉ bấy lâu với Bon’s Kitchen ngay tại nhà. Đây là lớp học nho nhỏ mà cô và các bạn, các chị em, những người đam mê nghề bánh, cắm hoa, cắt tỉa rau củ chia sẻ kinh nghiệm.

Sáng tạo – bí quyết để thành công của cô

Không chịu đi theo lối mòn trong việc truyền nghề cho lớp trẻ, cô luôn sáng tạo không ngừng. Để rồi, cũng là học trò của cô Oanh nhưng mỗi người lại có một món nghề khác nhau. Trước giờ lên lớp, cô đều dành thời gian suy nghĩ tìm ra những mẫu trang trí mới rồi vẽ nhiều kiểu ra trên giấy. Bắt gặp mẫu nào đẹp, cô chụp lại để ứng dụng vào công việc. Đôi khi trong một câu chuyên nào đó hay những lúc quan sát xung quanh mà có ý tưởng hay xuất hiện cô vẽ lại ngay trên giấy. Lấy nguồn cảm hứng bất tận từ cuộc sống nên từ bàn tay tài hoa của cô luôn luôn ra những sản phẩm mới lạ.

Cô tận tình hướng dẫn các bạn sinh viên Việt Giao cắm nhiều loại hoa khác nhau

Làm xong một sản phẩm mới, cô để cho mọi người xung quanh nhận xét. Cô hay làm tặng bạn bè, người thân và nhờ mọi người góp ý. Và “nhà phê bình nghệ thuật” thường xuyên nhất của cô chính là con trai. Cô bật mí “trẻ con quan sát rất kỹ và các con có suy nghĩ sinh động, tưởng tượng phong phú về các loài vật, nghe lời nhận xét của con mà ứng dụng vào mẫu trang trí, giúp chúng trở nên sinh động, đẹp mắt hơn”. Đi dạy, cô cũng hỏi SV rằng “các em thấy mẫu trang trí của cô như thế nào?”. Cô còn lại học từ những góp ý và ý tưởng độc đáo của các bạn trẻ.

Bên cạnh đó, không dạy rập khuôn theo bài vở mà tùy theo khả năng của từng bạn, cô có cách kèm cặp, chỉ dạy riêng. Mỗi buổi học, cô dạy để SV làm thành thục một số mẫu trang trí nhất định. Bạn nào yếu cô cầm tay chỉ từng thao tác, theo sát cho đến khi làm được. Nếu lớp chưa làm tốt bài học hôm đó thì cô dạy lại cho đến khi các bạn làm được mới chuyển sang bài khác.

Món quà tinh thần từ nghề giáo

Đứng trên bục giảng nhiều năm, cô giáo Thúy Oanh luôn đặt mình ở vị trí một người chị, người mẹ của các bạn SV. Bằng cả tâm huyết của nhà giáo và sự gần gũi, sẻ chia của một người mẹ, SV luôn dành cho cô sự trìu mến đặc biệt. Học trò chịu học và có nhiều ý tưởng sáng tạo đó là niềm hạnh phúc lớn của cô giáo này. Những câu chuyện trong mỗi buổi học có khi trở thành những kỉ niệm khó quên của cô: “Có bạn đi làm rồi nhưng vẫn dành thời gian chăm chút cho bài thi của mình. Học cắt tỉa rau củ nhưng bạn làm sẵn chả giò, mực xào rồi chỉ bỏ thêm những hoa, củ đã cắt tỉa lên trên. Có bạn nam trong quá trình học, học rất yếu nhưng bài thi khiến cô phải bất ngờ. Nhiều khi, đi ăn ở các nhà hàng, gặp lại học trò cũ, các em cúi đầu chào làm tôi rất vui và tự hào”.

Niềm vui lớn nhất của cô là khi các bạn SV đem những gì học được ứng dụng và chăm lo gia đình. Cô vui khi thấy học trò làm được sản phẩm nào cẩn thận đem về khoe với mẹ. Đôi khi, có bạn nói với cô hôm nay là sinh nhật mẹ, cô lại “thiên vị” chỉ giáo mẫu hoa đẹp rồi cô trò cùng cắm để có món quà đẹp tặng mẹ. Có bạn trổ tài nấu ăn cho bố mẹ nhưng không quên chụp hình lại và gửi facebook cho cô để khoe và xin cô góp ý. Các bạn cũng tâm sự với cô những lời khen, góp ý của ba mẹ.

Sự ham học hỏi và những tác phẩm của sinh viên tạo cho cô động lực để tiếp tục giảng dạy

Những niềm vui nho nhỏ trong nghề giáo đã trở thành những món quà tinh thần vô giá của cô. Đó là động lực để cô giáo đa tài này tiếp tục truyền thụ những ngón nghề tinh hoa cho các bạn trẻ.