10 năm đi tìm chính mình
Sinh ra tại huyện Hoài Nhơn (Bình Định), như nhiều thanh niên hệ 7X khác, Nguyễn Đình Trung học xong THPT rồi đăng ký thi trung cấp, ĐH. Anh chọn thi một trường nghệ thuật tại TP.HCM, Đh Kinh tế TP.HCM và một trường trung cấp.
Anh thi hai ngành khác biệt nhau là kịch nói và kế toán vì “bản thân thích văn nghệ”, còn gia đình thì cho rằng kế toán là nghề ổn định. Nhưng năm đó, anh chỉ đậu vào trung cấp kinh tế. Đây thực sự là một cú sốc vì hồi đó anh là một “ngôi sao” văn nghệ, lại học rất khá môn văn của lớp. Nhưng cú sốc rồi cũng nguôi ngoai, Nguyễn Đình Trung bằng lòng với việc vào TP.HCM theo học trung cấp kế toán.
Vào TP.HCM ở với anh trai, vừa đi học, Trung vừa đi làm thêm đủ việc, từ bốc vác đến phụ bàn. Cuộc sống sinh viên vừa học vừa làm khá “dễ chịu” với chàng trai gốc Bình Định cho đến ngày anh cầm tấm bằng trung cấp kế toán đi xin việc. Không nơi nào nhân nên cuối cùng Trung đành cất tấm bằng trung cấp kế toán để vào làm công nhân trong một nhà máy in. Sau mấy năm làm công nhân, anh sang làm quản lý lao động cho một công ty giày da, rồi tiếp tục vào một công ty của Nhà nước gia công cho Đài Loan. Đã có một công việc “tàm tạm” nhưng lúc này Trung vẫn đang “mơ hồ” với khả năng của mình.
Năm 1997, anh thi rồi theo học cử nhân tin học tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). “Tôi nghĩ nhiều nhưng vẫn hiểu sai về mình. Đến một ngày thấy những con số tin học không thu hút như tôi tưởng, tôi quyết định không học tiếp cử nhân tin học nữa” – anh tâm sự. Cuối năm 1999, Trung quyết dứt ra để làm đại lý bảo hiểm cho AIA. Anh được đào tạo khoảng 10 tháng về kiến thức kinh doanh, thành lập đại lý bảo hiểm nhưng mối quan hệ ít ỏi cũng không khiến anh trụ được lâu. Trung thất nghiệp khoảng 1 năm trước khi được công ty xuất nhập khẩu Quận 1 (TP.HCM) nhận vào làm việc. Anh có phụ trách công tác giới thiệu việc làm cho người lao động, phụ trách mảng đối ngoại của công ty. Năm 2000 – 2001, sau khi công ty này cổ phần hóa xong thì anh thấy mình “không được trọng dụng”. Anh nghỉ việc và quyết định ra riêng. “Từ 1991 – 2001, tôi cho đây là 10 năm đi tìm chính mình. Tôi nghĩ nếu công tác hướng nghiệp ở Việt Nam tốt thì tôi sẽ không mất nhiều thời gian như vậy để biết mình là ai, cần phải học gì, làm gì”. Sau này, khi dở lại cuốn học bạ THPT, Nguyễn Đình Trung thấy các thầy, cô ghi: “Có tinh thần văn, thể, mỹ”. Khi đọc thêm nhiều cuốn sách, tìm hiểu nhiều cuộc đời của các doanh nhân thế giới anh mới thấy “tinh thần văn, thể, mỹ” chính là tính cách hướng ngoại. Tính cách này phù hợp với những công việc tiếp xúc với xã hội, trong đó có kinh doanh.
Cuộc đời là trường đại học lớn nhất
Năm 2002, công ty dịch vụ của Nguyễn Đình Trung chuyên về giới thiệu nhà đât ra đời với tổng vốn chỉ có 11 triệu đồng, trong đó có 2 triệu ba mẹ cho và một chiếc máy tính “kế thừa” từ anh trai. Nhưng chỉ một năm sau đó, công ty bắt đầu ăn nên làm ra vì “nhu cầu mua nhà, thuê mặt bằng và dịch vụ pháp lý về nhà đất rất lớn”. Điều gì đã khiến một thanh niên không qua học ĐH có thể rành rẽ về luật đất đai để “chiều được khách hàng” là một bộ phận cư dân khá giả (đại gia) thời đó. “Tôi là người mê sách. Trong 10 năm “tìm mình” đó, tôi đã lân la rất nhiều nhà sách, đọc ké rất nhiều cuốn sách. Khi TP.HCM bắt đầu có internet, tôi lên mạng tìm hiểu về bất cứ thứ gì tôi thắc mắc. Từ kinh tế vĩ mô, vi mô, đến cả quy hoạch, luật đất đai, nhu cầu tìm việc. Tôi đọc báo mỗi lúc có thể”. Sách báo, internet như là người thầy lớn, nhưng với Nguyễn Đình Trung, công việc đa năng trong 10 năm cũng cho ông nhiều kinh nghiệm để gầy dựng cơ sở, phát triển công ty. “Trong nhìu dịp nói chuyện với học sinh, sinh viên, tôi khuyên các em nên đi làm thêm để tương tác với cuộc sống. Khi đi làm thì đừng bao giờ lười việc. Vì công việc vừa là người thầy để bạn biết mình ở đâu, vừa là người bạn cùng tiến”.
Không học ĐH, Nguyễn Đình Trung đã xây dựng và điều hành công việc như thế nào? Với tư cách là HĐQT Hưng Thịnh Corp, ông điều hành, quyết định tất cả mọi vấn đề của công ty từ công tác tìm hiểu thị trường, chọn dự án đầu tư, thực hiện kế hoạch marketing, quản lý con người đến phát triển đội ngũ nhân lực, nguồn vốn… Những năm 2012 – 2013, khủng hoảng kinh tế thị trường bất động sản khó khăn, các căn hộ chung cư tại TP.HCM không hề dễ bán, nhưng cứ dự án nào của Hưng Thịnh Corp đưa ra là “hết liền”. Ít ai biết rằng, để có thể bán hàng một cách nhanh chóng như vậy, CEO Nguyễn Đình Trung đã có những chiến lược đồng bộ, những bước đi mà ngay cả những người có bằng cấp cao về quản lý, kinh tế chưa chắc đã nghĩ đến.
“Khi chọn một dự án, tôi luôn phải tìm hiểu phong tục tập quán của những khu vực lân cận, thói quen sinh sống, nhu cầu và khả năng của họ. Tôi “làm nhà” với mong muốn bán được cho nhiều người hơn là một bộ phận dân cư nhỏ. Vì thế, căn hộ của tôi có giá vừa phải, diện tích cũng vừa phải và cách thanh toán cũng phải phù hợp với số đông. Nhiều người nghĩ thanh toán mua nhà đất khó nhất là lần đầu nhưng tôi cho với đa số gia đình trẻ ở Việt Nam, lần thanh toán thứ hai, thứ ba mới là khó nhất (vì văn hóa của gia đình Việt Nam là lần đầu có thể vay mượn bạn bè, người thân và cha mẹ). Thế nên tôi liên hệ với ngân hàng để những lần thanh toán sau của những người sở hữu nhà trở nên dễ dàng hơn. Để có thể có những sản phẩm giá phù hợp nhất với thị trường lại kiểm soát được cả chất lượng, tôi “tự làm” tất cả. Nghĩa là tôi vừa lập dự án vừa là nhà đầu tư, vừa là người thiết kế, thi công…” – ông Trung chia sẻ.
Muôn vàn con đường bên cạnh ĐH
Tại Hưng Thịnh Corp, việc tuyển chọn nhân viên cũng không giống như nhiều nơi, ở đây chấp nhận cả bằng Cao đẳng trong những vị trí cao và sẵn sàng trả lương theo khả năng chứ không theo bằng cấp mà người làm có được. “Tôi thấy bây giờ ai cũng vào được ĐH, không phải như chúng tôi ngày xưa, một trường chỉ có vài bạn đậu ĐH, một số khác vào được CĐ, Trung cấp. Phỏng vấn một số cử nhân, kỹ sư đã tốt nghiệp ĐH, tôi thấy dường như họ mới đủ kiến thức phổ thông. Tôi thấy thương cho nhiều sinh viên khi nghĩ con đường ĐH là một phép màu”.
Vì thế, ông Nguyễn Đình Trung cho rằng không nên học ĐH cho “bằng chúng, bằng bạn”, học cho người khác mà hãy xác định cho bản thân mình một đường đi bởi ĐH chỉ là một trong muôn vàn con đường mà xã hội cần đến. Ông cũng không hối tiếc vì không được học ĐH bởi “mục đích học ĐH, CĐ… hay cao hơn nữa cũng để làm việc, để phát triển bản thân, góp phần phát triển xã hội” và “giá trị của con người để lại cho xã hội chính là kinh nghiệm, chứ không phải những bằng cấp mà họ có”.
Box:
Ngay tại trường Trung cấp Việt Giao, cũng có những sinh viên làm chức vụ quản lý, trung cấp xuất thân từ con đường Trung cấp. Như anh Đỗ Thanh Xuân – Giám đốc kinh doanh công ty DL Cabaret, anh Doãn Văn Tự – Giám đốc nhà hàng Muối Tiêu Chanh, ông Nguyễn Ngọc Tấn – Tổng giám đốc công ty Saco Travel, Chị Trần Thị Ngọc Ánh – Quản lý Sân Gofl Sông Bé… |