Hành trình khám phá miền Tây của đoàn sinh viên ngành Hướng dẫn du lịch Việt Giao

Ngày 05/4/2/2019, đoàn xe đưa chúng tôi khởi hành từ Trường Trung cấp Việt Giao – (193 Vĩnh Viễn, P4, Q. 10, Tp.HCM) để bắt đầu chuyến đi học tập thực tế tuyến Đồng bằng Sông Cửu Long. Lên xe, chúng tôi đều cảm giác thích thú và hồi hộp về chuyến đi sắp được trải nghiệm.

Đồng bằng sông Cửu Long hay còn gọi là vùng miền Tây Nam Bộ của Việt Nam có một thành phố trực thuộc trung ương và 12 tỉnh. Bao gồm: thành phố Cần Thơ và các tỉnh: An Giang, Bến Tre, Cà Mau, Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Long An, Bạc Liêu, Sóc Trăng.

Du lịch sinh thái Miền Tây bắt đầu khởi sắc như du lịch trên sông nước, miệt vườn, khám phá các cù lao. Du lịch bền vững bước đầu hình thành với sự thành công của khu nghỉ dưỡng bền vững Mekong Lodge tại Tiền Giang và nhiều địa phương khác như Bến Tre, Vĩnh Long. Hiện nay, miền Tây được biết đến với hình ảnh của những dòng sông xanh thẳm, một không gian thoáng đãng, những bến nước trong veo, những hàng cây xanh ngát, và các khu vườn cây trái xum xuê trĩu quả. Hiện tại, các loại hình du lịch kiểu như thế này đang thu hút được rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.

Ngoài những loại hình tham quan và du lịch ở trên, vùng đất miền Tây Nam Bộ còn có một loại hình văn hóa đó chính là văn hóa chùa chiền, mang nét đặc trưng của người miền Tây Nam Bộ. Chúng ta có thể kể đến các ngôi chùa nổi tiếng của miền Tây Nam Bộ như: Chùa Bửu Lâm (tỉnh Tiền Giang), chùa Viên Minh – Nguyên (tỉnh Bến Tre), chùa Phật Bà Nam Hải (tỉnh Bạc Liêu) hay chùa Phù Dung (Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang),…

Đoàn tham quan học tập và chụp ảnh lưu niệm tại Chùa Bửu Lâm (Ảnh: Tấn Phúc)

Và các bạn được tiếp tục tham quan học tập thực tế tại Khu tưởng niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, một người đã có nhiều đóng góp quan trọng trong văn hóa cải lương của người Việt Nam. Các tác phẩm của Cao Văn Lầu thậm chí đã thành tên gọi của một dòng nhạc gọi là vọng cổ (tên ban đầu của tác phẩm là Dạ cổ hoài lang, nghĩa là “đêm nghe tiếng trống nhớ chồng”, nhưng dân gian hay gọi tắt bài hát là vọng cổ (nghe tiếng trống). “Ca vọng cổ”, “mê vọng cổ”, “xem vọng cổ”… trở thành những thuật ngữ trong đời sống âm nhạc Việt Nam. Tác phẩm của ông được sử dụng rộng rãi trong cải lương và đờn ca tài tử (giữ nét nhạc, thay lời theo kịch bản và theo hoàn cảnh mới), thậm chí nét nhạc cũng được biến hóa theo thời gian và nhu cầu thưởng ngoạn hàng trăm năm của khán giả. Cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu là tác giả bài “Dạ cổ hoài lang”, một bài ca độc đáo và nổi tiếng nhất trong nghệ thuật cải lương Việt Nam.

Đoàn TC Việt Giao chụp ảnh lưu niệm tại Khu tưởng niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Ảnh: Tấn Phúc)

Tham gia chuyến đi thực tế này, các bạn sinh viên ngành HDDL được thầy ThS. Nguyễn Phước Thiện – Giảng viên bộ môn đã giao cho đề tài để thực hành thuyết minh tại các tuyến điểm trên cung đường mà đoàn đi qua.

Anh Trương Viết Mão – Hướng dẫn đoàn có chia sẻ: “Những chuyến đi thực tế như thế này sẽ giúp cho các bạn rèn luyện được các kĩ năng về nghiệp vụ hướng dẫn, kỹ năng xử lý các tình huống thực tế. Theo cảm nhận của mình thì đa số các sinh viên đã tự ý thức được về cái nghề của các bạn đã lựa chọn trong tương lai, bằng chứng là trong những ngày đầu tiên trong chuyến đi các bạn luôn học hỏi, tìm tòi, lắng nghe những chia sẻ của tôi về các nghiệp vụ hướng dẫn, cũng như những cách xử lý tình huống khi các bạn tham gia hướng dẫn tour”

Thạc sĩ Nguyễn Phước Thiện – Giảng viên chuyên ngành hướng dẫn Du lịch thuyết minh về truyền thuyết Quan Thế Âm tại chùa Phật bà Nam Hải cho các bạn sinh viên nghe (Ảnh: Tấn Phúc)

Những ngày đầu tiên của chuyến học tập thực tế Đồng bằng Sông Cửu Long, các bạn đã được trải nghiệm thực tế tìm hiểu về nhiều nét văn hóa mang đặc trưng của người miền Tây Nam Bộ, giúp các bạn có thêm nền tảng kiến thức, kỹ năng để bay cao hơn,bay xa hơn trên con đường trở thành những hướng dẫn viên chuyên nghiệp trong tương lai.