Đây là hoạt động nhằm giúp các sinh viên ngành Quản trị Bếp – Ẩm thực (QTB-AT) đang theo học tại Việt Giao có cơ hội cọ xát nghề nghiệp. Khách mời là đại sứ cùng những nghệ nhân xuất sắc trong chuỗi sự kiện Ngày của Phở 12-12 do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam tổ chức vào tháng 12 vừa qua.
Là một bà nội trợ đam mê phở, Hoa hồi vàng Nguyễn Thị Khánh Thủy cho biết bí quyết chiến thắng của chị là ngoài tự tin, còn phải trình bày đẹp, phong cách, thuyết minh ấn tượng.
“Mình nấu phở ngon, thí sinh khác cũng nấu ngon, nên mình phải tạo ấn tượng bằng phong cách”, chị Thủy nhấn mạnh.
Tại buổi giao lưu, chị Thủy, nữ Hoa Hồi Vàng duy nhất của sự kiện, đã nhận nhiệm vụ hướng dẫn công đoạn cuối cùng cho sinh viên là cách trang trí để giúp tô phở trông hấp dẫn và bắt mắt, đồng thời hướng dẫn chi tiết về cách lựa chọn một số loại nguyên liệu để chế biến phở.
Hoa Hồi Vàng Phạm Hồng Tân gây chú ý khi xuất thân từ một gia đình có 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cung cấp thịt bò. Mới đây, anh cũng vừa cho ra mắt thương hiệu Phở An tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai).
Đảm nhận nhiệm vụ hướng dẫn sinh viên chọn lựa xương và thịt bò. Anh cho biết xương bò có nhiều loại, muốn có được một tô phở ngon, cần phải sử dụng tất cả các loại xương không chỉ giúp tiết kiệm mà lại ngọt nước, đậm vị, thực khách khi thưởng thức sẽ như ăn được cả một con bò ngay trong tô phở của mình.
Anh cũng tận tình hướng dẫn các sinh viên cách phân biệt thịt bò nóng và thịt bò lạnh, chia sẻ cách chọn thịt ngon, phù hợp để nấu được phở ngon.
“Qua buổi này, tôi thấy mình còn có một sứ mệnh lớn lao hơn ngoài việc cho mọi người được thưởng thức phở ngon. Đó là chia sẻ để các bạn trẻ hiểu và có được tình yêu với phở. Lúc đó, phở mới thực sự được lan tỏa”, anh Tân nói.
Đến với sự kiện, Hoa hồi vàng Nguyễn Tiến Đức (thương hiệu Phở Nhà), người được đặt câu hỏi đầu tiên đã gây ấn tượng với các bạn sinh viên khi cho biết anh có ba quán phở, mỗi ngày bán ra khoảng 1.000 tô. Theo đó, doanh thu mà các bạn sinh viên nhẩm tính bình quân hàng tháng của thương hiệu này là hơn 1 tỉ đồng, và dĩ nhiên lợi nhuận là con số hàng trăm triệu.
Anh Đức cũng cho biết để nấu phở bán, anh phải nấu phở tiêu chuẩn, tức hầm xương bò từ 12-16 tiếng, nấu cho hết chất ngọt của xương, và luôn phải chọn loại thịt bò tươi ngon. Anh cũng chia sẻ bí quyết và trả lời thắc mắc của sinh viên về cách làm sao nấu một bát phở ngon từ khâu chọn thịt, xử lý các phần xương, ninh nước dùng…
“Tôi hi vọng sau khi các bạn sinh viên có thêm kiến thức – lịch sử về phở, nắm được bí quyết nấu phở ngon cũng như bí quyết kinh doanh phở, các bạn sẽ chủ động nấu một nồi phở ngon cho gia đình trong những ngày tết đang đến thật gần”, anh Đức trải lòng.
Là người có 19 năm với kinh nghiệm làm bếp, Hoa hồi vàng Lê Đức Huy (thương hiệu Phở 1+) đảm nhận nhiệm vụ hướng dẫn sinh viên nêm gia vị. Theo anh Huy, người Trung Quốc nấu ăn ngon nhưng lại không thể nấu được món phở ra hương vị Việt.
Không quá khó để mua được tô phở tại nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên người nước ngoài thường không thể nấu được vị phở Việt.
“Món phở ngon còn do sự kết hợp giữa nước hầm xương bò với những gia vị nấu phở như hoa hồi, quế, thảo quả, gừng, củ hành… Gia vị Việt có một hương vị đặc biệt, thơm tinh tế các gia vị cùng loại mà ở những nơi khác khó thể sánh được.Theo tôi, bí quyết để tạo ra mùi vị đặc trưng của nước dùng nằm ở phần gốc của các loại củ. Tuy nhiên, khi nấu ta thường hay cắt bỏ phần này, phần chứa nhiều tinh dầu nhất”, anh Huy nói.
Với tư cách là khách mời đặc biệt, hoa hậu Diễm Hương, đại sứ “Ngày của Phở 12-12” khẳng định phở là một món đặc biệt đối với cô.
“Tôi có thể ăn 10 tô phở với nhiều hương vị khác nhau. Tôi muốn lan tỏa tình yêu của mình đến các bạn sinh viên, cũng là tình yêu và sự tự hào về tinh hoa ẩm thực của dân tộc. Tôi mong các bạn sẽ mang món phở đi xa hơn trong nền du lịch, ẩm thực trên thế giới”, cô chia sẻ.
Chăm chú theo dõi từ đầu đến cuối, Lâm Quốc Kiệt (sinh viên K22, ngành QTB-AT) cho biết buổi học này rất giá trị vì đã giúp Kiệt hiểu và tiếp thu được nhiều thứ về giá trị của phở, món ăn tinh tuý của ẩm thực Việt Nam.
“Em rất vui vì đã học được nhiều kiến thức bổ ích về phở tại buổi giao lưu này. Chúng rất cần thiết cho em sau này”, Kiệt nói.
Giống như Kiệt, sinh viên Trần Quốc Tuấn (K22, ngành QATB-AT) nói rằng nhờ buổi học mà em đã biết được cách chế biến và cách sơ chế để nấu phở.
“Em còn biết thêm được việc nêm nếm sao cho phù hợp với từng vùng, miền để sau này có thể vận dụng vào công việc của mình”, Tuấn cho biết.
Là giảng viên ngành QTB-AT, cô Ngụy Lệ Hồng bày tỏ niềm hân hạnh khi được tiếp xúc và làm việc với các Hoa Hồi Vàng.
“Sinh viên của trường đã được chia sẻ rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong cách lựa chọn nguyên liệu, từ các bước sơ chế đến chế biến nước dùng, đặc biệt là những kinh nghiệm xử lý xương thịt, nêm vị, giữ hương trong quá trình nấu phở.
Các Hoa hồi vàng đã truyền cho các em ngọn lửa yêu phở, hiểu về văn hóa ăn phở của người Việt, củng cố thêm những kiến thức để nấu được một bát phở mang đậm hồn Việt”, cô Hồng nhận xét.
Theo Thạc sĩ Trần Phương, hiệu trưởng nhà trường, phở không chỉ là món ăn ngon mà còn trở thành “đại sứ ẩm thực”, góp phần vinh danh văn hóa của VN với bạn bè quốc tế. Qua bao thế hệ, phở được xem là “quốc hồn quốc túy”.
“Tại Trung cấp Việt Giao, phở là món ăn nằm trong chương trình học của sinh viên ngành Quản trị Bếp & Ẩm thực. Với mong muốn tạo điều kiện cho sinh viên có nhiều cơ hội cọ xát với nghề, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động học tập thực tế không chỉ tại trường mà còn tại doanh nghiệp, giúp sinh viên có nhiều cơ hội mở mang thêm kiến thức liên quan đến ngành học để nâng cao kỹ năng tay nghề cho các em”,Thầy Phương nói.
(Theo Minh Huỳnh – Báo Tuổi Trẻ)