TS Bùi Trân Phượng: Con người là sự khác biệt, duy nhất

Sứ mạng của giáo dục là tạo điều kiện cho người học trưởng thành, qua đó người dạy cũng được cơ hội phát triển bản thân, vì người thầy nào mà không học được từ học sinh của mình, là do không biết hay không chịu học thôi. Nói như bà Đạm Phương hồi đầu thế kỷ trước là thay vì cứ đòi “uốn măng” hoài, nên xem xem có bụi rậm rào gai gì cản trở măng mọc thẳng hay không, còn măng mọc nổi thành tre hay không, tre cao khoẻ cỡ nào, là do nội lực từ măng, từ tre và, cho tôi nói “theo xưa” chút – còn do phúc đức ông bà tổ tiên. Là nhà giáo, chúng tôi chỉ cần mẫn làm công việc dọn dẹp rào gai, bụi rậm, vun bón cho cây.

Ước mơ và dự phóng tương lai là quyền, và trách nhiệm của thế hệ trẻ.Người ta gọi đó là hoài bão.Thế hệ trẻ không có hoài bão, thì tiền đồ dân tộc tối thui. Nhưng nếu ngày càng có thêm nhà giáo trong cả nước được cập nhật tri thức khoa học hiện đại, cùng với nhiều phương tiện tự học và giao lưu, kết nối khác hiện đang sẵn trong tầm tay mọi người, chỉ chờ được nhận thức đúng để sử dụng hiệu quả, thì có lẽ tương lai… không đến nỗi nào đâu.

TS Bùi Trân Phượng, chủ tịch HĐQT NES Education, người khởi xướng dự án TEACH – Cùng giáo viên thay đổi trên toàn nước Việt.

– Một trong những hưng phấn và cũng là nỗi lo sợ hiện nay của thiên niên kỷ này là… robot – những người máy. Cô nghĩ sao khi người ta có thể chế tạo ra những người máy đã biết “tự học”, trong khi con người thì càng… lười đi. Làm thế nào để chúng ta có thể quay trở lại với con người suy tư?

– Nhiều người, trong đó có tôi, đã sốc khi máy tính thắng kỳ thủ cờ vây thế giới. Vì đó quả thật là điều rất đáng suy nghĩ. Cờ vây không chỉ là tính toán, mà còn là tự học ngay trong quá trình chơi một hay nhiều ván cờ, cũng như từ tích luỹ hàng ngàn năm chơi cờ của nhân loại, từ phân tích, học từ đối thủ, từ chính bản thân, là trực giác, là làm chủ cảm xúc, là nhiều thứ tưởng như “độc quyền” của con người. Sự phát triển không ngừng của trí tuệ nhân tạo (AI) đang thách thức độc quyền đó.

Tôi không hiểu sâu về robot, nhưng có nhiều trải nghiệm làm việc với con người.

Một lần tôi có nhiệm vụ giúp một học sinh hết cấp 2 tìm hiểu các trường cấp 3 ở Singapore để chọn trường học tiếp.Bạn ấy đã cùng tôi đến thăm vài trường Sing và một trường quốc tế. Được hỏi thích trường nào, bạn trả lời: “Trường nào ở Singapore cũng hơn hẳn trường Việt Nam. Không phải chỉ là cơ sở tốt hơn, mà thấy cách học sinh được học tốt hơn nhiều. Nhưng con thích trường quốc tế”. Tại sao?“Ở trường Singapore, thầy hiệu trưởng dẫn mình đi tham quan một vòng, trước sau chỉ có thầy ấy nói. Một lần, vô lớp, thầy bảo học sinh chào chúng ta, thầy nhầm, nói là Good morning, cả lớp cũng lặp lại theo, chỉ có một bạn nói là Good afternoon, thầy mới xin lỗi và bảo cả lớp nói lại. Trong khi ở trường quốc tế, chỉ một nhân viên tuyển sinh gặp mình, mà người đó giải thích lưu loát về trường, còn cho con nói chuyện với một học sinh đang học để tìm hiểu”.

Một học sinh 15 tuổi bình thường (không thuộc loại xuất sắc, có khi học sinh được nhà trường đánh giá giỏi, ngoan lại chưa chắc phản ứng được như bạn ấy?) từ nhỏ chỉ học trường công Việt Nam, đã có nhận xét làm tôi bất ngờ như vậy. Học sinh không chỉ là “sản phẩm” của nhà trường, của thể chế, của thời đại. Con người là khác biệt, là duy nhất, và có năng lực tư duy bằng chính cái đầu mình, lấy chọn lựa và tự học, tự đi con đường của mình. Sứ mạng của giáo dục là tạo điều kiện phát triển những con người như vậy.